Đôi hồ lô vẽ rồng 5 móng có kích thước với chiều cao 125 cm, độ rộng của miệng bình là 15 cm, đáy bình rộng 30 cm, thân bình phía trên rộng 33 cm và thân bình phía dưới rộng 55 cm. Tác phẩm được sản xuất năm 1425 – 1435 thời vua Tuyên Đức ( Thế kỷ 15 nhà Minh – Trung Hoa).
Đồ gốm thời Minh phát triển trên cơ sở kế thừa kỹ thuật sản xuất Tống - Nguyên và đổi mới rất nhanh trên nhiều phương diện. So với giai đoạn Tống - Nguyên, đồ gốm sứ Trung Quốc thời Minh phong phú, đa dạng hơn nhiều cả về loại hình, các loại men và đề tài trang trí.

Hồ lô (quả bầu khô) là một trong những biểu tượng được sử dụng rộng rãi nhất trong phong thủy, giúp bảo vệ con người khỏi bệnh tật nặng nề và cái chết không tự nhiên. Nhờ cấu tạo đặc biệt "miệng nhỏ, bụng to, bên trong rỗng", quả bầu khô được người xưa dùng làm bình giữ thuốc hoặc đựng nước và rượu, phục vụ những chuyến đi xa. Nhờ khả năng cứu sống con người, Hồ lô được coi là biểu tượng linh thiêng của sức khỏe và sự trường thọ.

Đôi hồ lô được vẽ rồng 5 móng. Chỉ có duy nhất loài rồng có 5 ngón là được Hoàng đế sử dụng, còn các Vương gia chỉ được sử dụng hình rồng 4 ngón trong khi các đại thần dùng hình rồng 3 ngón. Như vậy, từ đó có thể khẳng định đây là sản phẩm được Hoàng đế sử dụng. Trong Minh sử, thiên Thực hóa chép: “Thời Minh Tuyên Đức, lấy hoa văn hình rồng làm đồ sứ tế khí”. Trong Văn minh hội điển cũng chép: “Năm Tuyên Đức thứ 8 (1433) cho tạo đồ sứ có trang trí hình long phượng 443.500 chiếc”. Thời Minh, sự biến chuyển hình trạng của Rồng có lẽ rõ nhất là từ thời Vĩnh Lạc, Tuyên Đức (1403-1434). Đầu rồng to hơn thời Nguyên, sắc màu đều đặn, mõm dài, mũi như mũi lợn nên còn gọi là Chư Bà long, răng nanh không những rất dài mà còn được phân hóa với nanh dưới và còn cong lên. Vẻ mặt Rồng được biểu lộ sự giận dữ đầy uy lực. Mắt rồng lúc này như mắt cá, trên đồ án thường được vẽ về một phía. Bộ phận móng như móng của chim ưng, thường là ba, bốn móng. Những họa tiết bổ trợ thường là sóng biển, lửa, mây hay hoa dây.
Tác phẩm hiện đang thuộc sở hữu của một nhà sưu tập tư nhân tại Lâm Đồng (Việt Nam)
Viendocban.com